Chàng trai biến hóa loạt chiếc bánh tinh xảo trị giá hàng triệu đồng

Cam Ly

(Dân trí) - Từ đam mê đồ ngọt, anh Nguyễn Anh Triết đã kiên trì học hỏi, sáng tạo không ngừng để biến những chiếc bánh thành tác phẩm nghệ thuật thực thụ.

Khi chiếc bánh trở thành tác phẩm nghệ thuật

Ít ai nghĩ rằng, đằng sau những chiếc bánh tinh xảo và đầy cảm xúc lại là một chàng trai từng theo đuổi con đường tài chính.

"Ban đầu tôi học ngành ngân hàng, nhưng vì đam mê đồ ngọt và yêu thích nghệ thuật nên bén duyên với nghề làm bánh", anh Nguyễn Anh Triết (35 tuổi, ở TPHCM) chia sẻ.

Cái duyên tình cờ ấy đã khiến anh từng bước bị cuốn vào thế giới bánh ngọt . Mỗi chiếc bánh là một lần khám phá, càng làm càng say mê, càng tò mò lại càng muốn học hỏi thêm.

Sự khao khát hoàn thiện kỹ thuật, nâng tầm thẩm mỹ đã dẫn lối anh biến đam mê thành sự nghiệp - một hành trình bền bỉ kéo dài hơn 10 năm cho đến hiện tại. 

Chàng trai biến hóa loạt chiếc bánh tinh xảo trị giá hàng triệu đồng - 1

Anh Triết đã có 10 năm học và theo nghề làm bánh (Ảnh: NVCC).

Không qua trường lớp chính quy về ẩm thực, anh học từ những nghệ nhân làm bánh quốc tế, cập nhật xu hướng để không bị lỗi thời, rồi phát triển chúng theo cách riêng.

Anh Triết chia sẻ: "Tôi thích sự tối giản nhưng phải có điểm nhấn. Chiếc bánh dù nhìn có vẻ đơn giản nhưng mỗi chi tiết đều có dụng ý riêng, và nhất định phải chạm được cảm xúc người nhìn".

Không chỉ là món ăn, với anh, bánh còn là một "tác phẩm nghệ thuật". Mỗi chiếc bánh được thổi hồn từ cảm hứng đời sống - có thể là một khung hình trong phim, một thiết kế thời trang, một góc phố lạ, hay thậm chí là ánh sáng chiều tà của một chuyến du lịch.

Sáng tạo với anh là quá trình lắng đọng, không vội vàng. Có mẫu bánh anh chỉ lên ý tưởng trong vài giờ, nhưng cũng có chiếc phải để qua đêm, chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ cho đến khi thật sự ưng ý. Có chiếc bánh anh hoàn thành trong một ngày, nhưng cũng có mẫu mất đến nhiều ngày.

Bên cạnh kỹ thuật và thẩm mỹ, yếu tố môi trường cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo hình bánh. Anh luôn làm việc trong phòng lạnh để giữ bánh ở trạng thái ổn định, tránh biến dạng trong quá trình hoàn thiện. 

Mỗi chiếc bánh mất hàng giờ chăm chút, có khi cả nửa ngày mới xong nên khâu vận chuyển cũng được anh đặc biệt lưu ý. Anh chọn gọi taxi riêng để đảm bảo bánh đến tay khách hàng nguyên vẹn, không gặp sự cố nào trên đường.

Chiếc bánh để lại nhiều cảm xúc nhất với anh là mẫu được xếp thủ công từ hàng ngàn mảnh giấy gạo, mất tới 5 ngày hoàn thiện. Những lớp giấy tưởng chừng vô hồn, nhưng khi xếp lớp tỉ mỉ lại tạo nên chuyển động mềm mại, sống động đến lạ.

Nhiều cư dân mạng còn ví anh như "phù thủy" của thế giới bánh ngọt với khả năng biến hóa đa dạng trong tạo hình - từ những chiếc túi xách hàng hiệu tinh xảo, búp bê đáng yêu đến các loài vật sống động. Mỗi chiếc bánh là một thế giới thu nhỏ mang cá tính riêng, thể hiện rõ nét sự tỉ mỉ và óc sáng tạo không giới hạn của người nghệ nhân.

Cái giá của đam mê

Để tạo nên những chiếc bánh như vậy, anh Triết chấp nhận đánh đổi không ít. "Thời gian là thứ đầu tư nhiều nhất. Hầu như tôi không có thời gian đi chơi hay nghỉ ngơi đúng nghĩa", anh chia sẻ.

Mỗi ngày anh dành 6-8 giờ trong bếp, cao điểm như mùa cưới hay dịp lễ, khối lượng công việc tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Dù vất vả, nhưng với anh, được sống cùng đam mê là phần thưởng xứng đáng. Theo anh, nếu kiên trì và xây dựng được gu riêng cùng tệp khách hàng ổn định, nghề làm bánh hoàn toàn có thể mang lại thu nhập tốt.

Chàng trai biến hóa loạt chiếc bánh tinh xảo trị giá hàng triệu đồng - 2

Nhiều người ví anh Triết như "phù thủy" của thế giới bánh ngọt (Ảnh: NVCC).

Anh cũng không đặt mình vào vị trí "người quyết định", mà chọn làm người đồng hành với khách hàng trong quá trình thiết kế bánh. "Tôi chỉ tư vấn, còn khách muốn gì thì tôi làm cái đó. Miễn sao chiếc bánh cuối cùng vẫn có sự hài hòa giữa ý tưởng và thẩm mỹ", chủ tiệm bánh cho hay.

Hiện nay, giá bánh do anh thực hiện dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng, có những mẫu bánh phức tạp có thể lên tới hàng chục triệu đồng tùy thuộc vào chất liệu, độ khó, thời gian thực hiện và gu thẩm mỹ cần thể hiện. Những mẫu bánh mang tính cá nhân hóa cao, có khi chỉ phục vụ một người đòi hỏi sự lao động miệt mài.

Trong thời đại mà hình ảnh dễ bị lướt qua chỉ trong vài giây, anh Triết vẫn chọn theo đuổi sự tinh tế và cảm xúc. Với anh, chiếc bánh không chỉ là món ăn ngọt ngào mà còn là sợi dây kết nối vô hình giữa người làm và người thưởng thức.